Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Ảnh - Đội tàu chiến đấu mặt nước của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF)

(Kienthuc.net.vn) - Đội tàu chiến đấu mặt nước của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) gồm toàn tàu khu trục, không phân loại thành khinh hạm, tàu hộ tống.


JMSDF là một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực châu Á (sau Trung Quốc). Đặc biệt, đội hình tàu đều được phân loại thành tàu khu trục (destroyer – loại tàu chiến cơ động, hỏa lực mạnh, có thể hoạt động bền bỉ, chuyên hộ tống tàu chiến lớn nhất trong hạm đội hoặc tác chiến độc lập); dù một số tàu chỉ có lượng giãn nước và vũ khí tương đương khinh hạm (frigate) ở một số nước.


Hiện đội hình tàu chiến đấu mặt nước của JMSDF gồm: 4 tàu khu trục trực thăng; 8 khu trục trang bị tên lửa dẫn đường; 16 khu trục; 13 khu trục nhỏ và 6 khu trục hộ tống. Trong ảnh là khu trục chở trực thăng lớp Hyuga (hoặc theo xếp loại thế giới là tàu chở trực thăng) có lượng giãn nước toàn tải tới 19.000 tấn, chở được 11 trực thăng.


Khu trục chở trực thăng lớp Shirane (2 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 7.500 tấn, có khả năng chở 3 trực thăng săn ngầm SH-60. Ngoài ra, tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng không và chống ngầm gồm: pháo hạm 127mm, pháo phòng không 20mm, ngư lôi 324mm, tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7…


Đội hình tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường (DDG) thuộc hạng nặng, kích cỡ lớn, trang bị vũ khí tương đương tuần dương hạm. Trong ảnh là tàu khu trục lớp Atago (2 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 10.000 tấn. Đặc biệt, con tàu được trang bị hệ thống Aegis tối tân cùng tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IA (tầm bắn 500km, độ cao diệt mục tiêu 160km).


Khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis thứ hai của JMSDF thuộc lớp Kongo (4 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 9.500 tấn. Tàu cũng được trang bị hệ thống vũ khí tương tự Atago với tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA.


Với tên lửa đánh chặn “siêu hạng” SM-3 Block IA, Atago và Kongo được xem là những tàu khu trục chống tên lửa đạn đạo mạnh nhất châu Á, vượt cả khu trục phòng không Type 052C Lữ Dương II của Trung Quốc.


Khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze (2 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 4.650 tấn, dài 150m. Tàu tuy không có hệ thống Aegis nhưng có khả năng mang tên lửa phòng không tầm xa, tầm cao SM-2MR của Mỹ (đạt tầm bắn 170km, độ cao 24,4km). Ngoài ra, vũ khí trên tàu còn gồm tên lửa chống tàu Harpoon, tên lửa chống ngầm ASROC, ngư lôi và pháo.


Đội tàu khu trục của JMSDF còn có một số tàu có lượng giãn nước gần bằng Atago và Kongo nhưng trang bị hệ thống vũ khí đối không tầm trung (chứa trong hệ thống phóng thẳng đứng), không có hệ thống Aegis. Trong ảnh là khu trục lớp Akizuki (2 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 6.800 tấn, trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm trung RIM-162 ESSM (tầm bắn 50km), tên lửa chống tàu Type 90 có tầm bắn 200km), ngư lôi và pháo…


Khu trục lớp Takanami (5 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 6.300 tấn, có vũ khí tương tự Akizuki.


Khu trục lớp Murasame (9 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 6.100 tấn, có cấu hình vũ khí tương tự Akizuki.


JMSDF cũng có một số tàu có lượng giãn nước chỉ được coi là khinh hạm (frigate) nếu xét theo phân loại quốc tế. Loại tàu này của JMSDF chỉ được vũ trang hệ thống vũ khí tấn công, phòng thủ tầm ngắn. Trong ảnh là tàu khu trục lớp Asagiri (8 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 4.900 tấn, có cấu hình vũ khí chống tàu, pháo tương tự Akizuki hay Takanimi. Tuy nhiên, Asagiri chỉ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow (tầm bắn 19km).


Khu trục lớp Hatsuyuki (8 chiếc) có lượng giãn nước toàn tải 4.000 tấn, có cấu hình vũ khí tương tự Asagiri.


JMSDF còn sử dụng loại tàu khu trục hộ tống, được trang bị vũ khí hạng nhẹ, dùng để hộ tống đội hình tàu vận tải, độ bộ. JMSDF hiện duy trì 6 khu trục hộ tống lớp Abukuma có lượng giãn nước 2.550 tấn (chỉ tương đương khinh hạm theo phân loại quốc tế), trang bị tên lửa chống tàu tầm ngắn Harpoon, tên lửa chống ngầm, ngư lôi vào pháo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét