Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Ảnh - Đời sống du mục của người Mông Cổ

Qua dự án Vanishing Cutures (Những nền văn hoá đang biến mất), nhiếp ảnh gia Taylor Weidman đã ghi lại các kiểu sống đang bị đe doạ. Nếu các bạn có theo dõi những bộ ảnh The Big Picture thì rất có thể sẽ nhận ra phong cách chụp ảnh của Taylor từ bài [The Big Picture] Mustang – Vương quốc Lo xưa cũ ở Nepal. Weidman đã viết về văn hoá du mục đang bị đe doạ ở Mông Cổ như sau: “Cuộc sống du mục của người Mông Cổ là một trong những nền văn hoá du mục lớn nhất thế giới còn sót lại.

Trong hàng ngàn năm qua, họ đã sống trên các thảo nguyên, chăn thả gia súc trên các đồng cỏ mênh mông. Nhưng giờ đây, cuộc sống của họ đang bị đe doạ bởi nhiều yếu tố. Cùng với sự thay đổi môi trường do kinh tế phát triển nhanh, biến đổi khí hậu và sa mạc hoá chính là các mối đe doạ đối với cuộc sống du mục, khiến cả gia súc và các cánh đồng cỏ bị chết dần. Do mùa Đông lạnh giá và các đồng cỏ khô cằn, hàng ngàn người làm nghề chăn gia súc trong nhiều thế kỷ qua đã phải tìm công việc ở những khu mỏ và thành thị. Những thanh niên trẻ tuổi giờ không còn học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống du mục.” Bộ ảnh sau đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cuộc sống du mục của người Mông Cổ, cũng như thấy được sự thay đổi trong cuộc sống của họ trong thời hiện đại.


Một người du mục dùng xe máy để chăn đàn gia súc của anh sau một trận bão tuyết vào sáng sớm mùa Xuân. Những người chăn gia súc Mông Cổ đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ, và không có gì là lạ khi thấy xe tải và xe máy thay thế công việc của các con vật.



Sau một trận bão tuyết đêm, một người đàn ông du mục dùng cây phủi tấm pin năng lượng mặt trời, dùng để thắp sáng các bóng đèn, mở TV và sạc điện thoại di động trong túp lều ger của anh.


Một gia đình ngồi cùng nhau trong túp lều ger của họ với một chiếc TV màn hình phẳng đang phát. Đa số các gia đình sống du mục sử dụng các bộ phát điện bằng năng lượng mặt trời và gió để dùng cho các thiết bị điện tử.


Những nài ngựa trẻ tuổi, chủ ngựa và khán giả tụ tập trước một cuộc đua ngựa thuộc lễ hội Naadam, một lễ hội truyền thống của người Mông Cổ với “ba môn thể thao của đàn ông”.


Một con dê khát nước đi tìm nước uống trong một chiếc máy giặt quần áo trên sa mạc Gobi. Bên cạnh nghề chăn nuôi du mục, các thành viên trong gia đình còn làm việc tại một khu mỏ gần đó, kể kiếm thêm thu nhập và mua các vật dụng tiện nghi như máy giặt chạy bằng năng lượng mặt trời.


Một phụ nữ Mông Cổ cho chú cừu con bú sữa bằng chai nước tương cũ.


Hai thanh niên Mông Cổ mổ thịt cừu và dê tại một khu nghỉ mát ở miền quê dành cho những người giàu có ở thành phố.


Hai đô vật tranh tài tại một lễ hội Naadam nhỏ ở vùng quê. Theo truyền thống, Naadam là một lễ hội ăn mừng những cuộc chinh phục thành công, nhưng ở thời Soviet, những buổi lễ mừng được tổ chức thường niên, trở thành lễ hội toàn quốc.


Lượng mưa giảm và gió mạnh, một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu, đã làm cho tầng đất mặt bị xói mòn và sa mạc Gobi ngày càng mở rộng ra.


Một người chăn nuôi cưỡi ngựa giữa trời bão tuyết để đi gom đàn gia súc của anh. Trong thập kỷ qua, Mông Cổ đã trải qua những mùa Đông lạnh bất thường – khiến số lượng gia súc giảm.


Ở hạt Azraga, một đống xương động vật bị chết trong trong đợt lạnh năm 2010 nằm trên nền đất. Azraga đã không gặp may mắn. Mùa Đông năm 2012 khá ôn hoà trên khắp đất nước Mông Cổ, nhưng ở khu vực Azraga, một đợt lạnh cục bộ đã giết chết 30% gia súc ở đây.


Sau khi một mỏ than đá lớn thuộc thời kỳ Soviet ở thị trấn Nalaikh, nằm cách Ulaanbaatar chừng 35km bị đóng cửa, rất nhiều những người khai thác than nhỏ lẻ đã đến tiếp quản. Những mỏ than nhỏ này thường thuê những gia đình sống du mục làm việc, những người đã dành cả cuộc đời trên các thảo nguyên.


Thợ mỏ là một nghề nguy hiểm nhưng rất hấp dẫn đối với các người trước khi làm nghề chăn gia súc vốn có trình độ học vấn không quá cấp phổ thông.


Những thợ mỏ bất hợp pháp đãi vàng trên các thảo nguyên. Sau một đợt lạnh khắc nghiệt khiến nhiều gia súc bị chết, những người chăn gia súc đi tìm công việc mới, trong đó có làm vàng.


Các khu lều ger bao quanh thủ đô Ulaanbaatar là nơi ở lâu dài của những người dân du mục. Vào mùa Đông, Ulaanbaatar là thành phố ô nhiễm không khí nhiều thứ hai trên thế giới vì người dân đốt than đá để sưởi ấm.


Người dân sống trong các khu lều ger đi nhặt phế liệu tại một bãi rác ở Ulaanbaatar. Số lượng người thất nghiệp chiếm 16% lượng dân cư ở khu vực này.


Một cậu bé người Mông Cổ mang nước về nhà ở khu lều ger. Là nơi ở của 70% dân số Ulaanbaatar, các khu trại này không có các dịch vụ vệ sinh hay nước sạch, và có tỉ lệ thất nghiệp, nghiện rượu và tội pham cao.


Một khu nhà đang xây ở Ulaanbaatar nhìn từ bánh xe đu quay ở công viên thiếu nhi của thành phố. Cùng với các công ty tư nhân, chính phủ Mông Cổ đang lên kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà mới cho người thu nhập thấp.


Một khu trò chơi cầu trượt ở công viên dành cho thiếu nhi của Ulaanbaatar. Hơn 1/4 dân số của Mông Cổ có độ tuổi dưới 14, đây là đất nước trẻ nhất khu vực châu Á.


Một bé gái Mông Cổ đứng xem mọi người chơi trò chơi ở công viên thiếu nhi của Ulaanbaatar.


Một bà mẹ trẻ lái xe trên đường phố Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ. Xe hơi đã trở nên phổ biến hơn ở thành phố này nhờ cú hích kinh tế từ ngành khai thác mỏ.


Đường phố Ulaanbaatar sau một trận bão mùa Hè.


Tháp Blue Sky, một trong những toà cao ốc đáng chú ý nhất ở trung tâm Ulaanbaatar. Kiến trúc ở Ulaanbaatar là sự hoà trộn giữa những toà nhà màu xám kiểu Soviet và các cao ốc hiện đại.


Sàn giao dịch chứng khoán Mông Cổ đã có sự phát triển vượt bật trong thập kỷ vừa qua. Vào năm 2006, đây là sàn chứng khoán nhỏ nhất thế giới, nhưng giờ đây đã có 300 công ty niêm yết với giá trị vốn hoá lên tới 2,3 tỷ USD.


Người Mông Cổ mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi ở Ulaanbaatar.


Một nhà sư đi ngang khu bệnh viện thời Soviet bị bỏ hoang ở Ulaanbaatar. Phật giáo đã trở thành tôn giáo chính của Mông Cổ kể từ sau khi liên bang Soviet bị sụp đổ.


Một bà mẹ truyền thuốc qua tĩnh mạch cho cậu con trai. Dưới thời Soviet, y học hiện đại đã được đưa vào Mông Cổ, giúp giảm số lượng trẻ sơ sinh bị chết và tăng tuổi thọ của người dân.


Hai thanh niên đỡ cậu bạn sau rượu trong lúc đứng chờ xe. Vào năm 2006, một cuộc nghiên cứu hợp tác giữa Bộ Y tế Mông Cổ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có 22% đàn ông Mông Cổ bị nghiện rượu, cao gấp 3 lần so với các nước châu Âu.


Một phụ nữ tập thể dục trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố Ulaanbaatar. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2011, cộng với làn sóng di cư từ nông thông lên thành thị, thủ đô của Mông Cổ đang mở rộng một cách nhanh chóng.

Nguồn: Boston.com 
Tổng hợp: blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét