Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Ảnh - Ngắm' lịch sử thực thi chủ quyền biển VN qua cổ vật tuyệt đẹp

Từ lâu đời, biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, là ngã tư tuyến đường huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trưng bày chuyên đề đặc biệt Di sản văn hóa biển Việt Nam diễn ra tại Hà Nội đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người quan tâm đến tình hình biển đảo Việt Nam. Trong cuộc trưng bày lần đầu tiên được tổ chức này, những tài liệu, hình ảnh, hiện vật phung phú về biển, đảo Việt Nam với giao thương hàng hải quốc tế trong lịch sử đã được tập trung giới thiệu, quảng bá tới công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng chính là những thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Dưới đây là một số ghi nhận của REDS.VN từ sự kiện này:



Một góc trưng bày Di sản văn hóa biển Việt Nam.


Việt Nam nằm ngay bên bờ biển Đông, có bờ biển dài, vùng biển rộng với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ xã bờ, gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ lâu đời, biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, là ngã tư tuyến đường huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tham gia vào hệ thống thương mại đường biển quốc tế và xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam có thể được chia ra thành những thời kỳ khác nhau.

Thời tiền – Sơ sử

Những phát hiện khảo cổ học tại các di tích Tiền – Sơ sử duyên hải Việt Nam như Cài Bèo, Hạ Long, Xóm Cồn, Bình Châu, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ… và một số đảo, quần đảo như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… cho thấy, các nhóm cư dân ở đây đã có những quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Không chỉ vậy, họ còn tiến hành giao lưu, trao đổi xa hơn với các nhóm cư dân đồng đại khác ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á lục địa và hải đảo.


Dấu in hoa văn bằng gốm, cách ngày nay khoảng 4.000 – 3.000 năm, thuộc văn hoá Hoa Lộc.

Đèn gốm, cách ngày nay 2.500 – 1.800 năm, tìm thấy tại di chỉ Hoà Diêm (Cam Ranh – Khánh Hoà).

Từ thế kỷ 3 TCN tới thế kỷ 10 SCN

Ngày từ những thế kỷ đầu hình thành và hoạt động, Việt Nam đã dự nhập mạnh mẽ vào hệ thống hàng hải quốc tế. Cattigara (lưu vực sông Hồng), Luy Lâu (Bắc Ninh), Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Óc Eo (An Giang) ở ba miền Bắc, Trung, Nam từng là những trung tâm cảng thị sầm uất, quan trọng và nổi tiếng trong hải trình thương mại cổ đại. Trong một vài thế kỷ trước, sau công nguyên, lưu vực sông hồng ở miền Bắc nước ta còn đóng vai trò là nơi đón tiếp các sứ bộ ngoại giao, phái đoàn thương mại nước ngoài và là trạm cuối của hải trình giao thương từ Tây sang Đông.

Hạt, chuỗi khuyên tai hai đầu thú làm bằng đá quý, thuỷ tinh, cách ngày nay 2.500 – 2.000 năm, thuộc di chỉ Giồng Cá Vồ (Cần Thơ, TP HCM).


Tiền làm bằng kim loại, thế kỷ 5 – 6, văn hoá Óc Eo.

Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15

Ngay sau khi giành được độc lập, các vương triều Đinh – Lê – Lý – Trần - Lê sơ đã ra sức chăm lo, củng cố và phát triển quốc gia Đại Việt thành một thể chế mạnh và quan trọng ở Đông Nam Á. Với những chính sách phát triển ngoại thương phù hợp với các vương triều phong kiến, Việt Nam thời kỳ này tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với thuyền buôn nước ngoài thông qua hai cửa ngõ giao thương quan trọng là vân Đồn (Quảng Ninh) và Thị Nại (Bình Định). Đặc biệt, việc sản xuất và xuất khẩu gốm sứ thương mại đáp ứng nhu cầu khắp các thị trường Nhật Bản, Đông Nam Á và Tây Á đã đánh dấu sự dự nhập mạnh mẽ vào hải thương quốc tế của quốc gia đại Việt.


Gạch chạm nổi hình rồng bằng gốm men trắng thuộc về thời Lý, thế kỷ 11 – 13, ở bến Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Ninh.

Đầu rồng đất nung niên đại thời Trần, thế kỷ 13 – 14, tìm thấy ở thương cảng Vân Đồn, Quảng Ninh.

Biển Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18

Những phát kiến địa lý thông qua thám hiểm thế giới đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu, dẫn đến việc thiết lập một mạng lưới mậu dịch hàng hải xuyên đại dương, nối liền các châu lục. giai đoạn này thương nhân Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đua nhau thâm nhập, buôn bán trực tiếp với Đại Việt. Đáp lại, chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều mở cửa rộng rãi và dự nhập mạnh mẽ vào giao thương hàng hải quốc tế. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Domea ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong là những mắt xích không thể thiếu trong hệ thống hải thương toàn cầu.

Với chủ trương trọng thương, vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, Đàng Trong đã trở thành một thể chế biển triệt để phát huy truyền thống khai thác biển. Việc thành lập và biển Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải thành một tổ chức của nhà nước để khai thác sản vật trên các đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, quyền làm chủ các lãnh hải ở nước ta đã được xác định chính thức dưới thời Chúa Nguyễn.


Đĩa trang trí trúc mai, phong cảnh sơn thủy bằng gốm nhiều màu, thế kỷ 17-18, lò gốm Arita (Kyushu, Nhật Bản).

Thế kỷ 19 đến hiện đại

Thời Nguyễn, hải khẩu thông thường với nước ngoài được thiết lập dọc theo bờ biển Việt Nam từ Bắc chí Nam, trong đó có nhiều hải cảng lớn như Hải Phòng, Thuận Hóa, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Gia Định, Hà Tiên… Ngoài ra, các triều vua Nguyễn cũng thường xuyên chăm lo khai thác kinh tế biển và tiến hành các hoạt động thực thi chủ quyền của quốc gia, dân tộc trên biển Đông như tổ chức vãng thám, trồng cây, xây chùa, dựng bia, cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền. Cuối triều vua Minh Mệnh, bản đồ nước Việt Nam với tên gọi Đại Nam nhất thống toàn đồ đã được lập và công bố, trên bản đồ có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.


Lọ nước hoa thủy tinh bọc bạc, cổ vật cung đình triều Nguyễn thế kỷ 19 – 20, được nhập vào Việt Nam qua đường biển.


Mô hình thuyền và bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, Jean Louis Taber, 1834.

Công tác biên giới lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam

Nước Việt Nam thống nhất, với tư cách kế thừa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ từ các chính quyền trước theo luật pháp quốc tế và sự liên tục của lịch sử, đồng thời xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã thực thi nhiều biện pháp tích cực nhằm thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Hội nghị lần thứ 4 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn đã đề ra các mục tiêu và những định hướng chiến lược nhằm nhanh chóng đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.


Đèn biển của Ty bảo đảm hàng hải Hải Phòng, thế kỷ 20.


Những khẩu súng thần công thế kỷ 18 (khai quật ở vùng biển Vũng Tàu) phía dưới tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam.

H.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét