Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Ảnh - Khám phá thế giới dưới lòng đất (kỳ 2)

Hang động và những đường hầm là một phần trong đời sống loài người. Xưa kia, tổ tiên của chúng ta sinh sống trong hang động, giờ đây chúng ta đang đào đất để làm rất nhiều việc khác nhau.

Khám phá thế giới dưới lòng đất kỳ 1

Chúng ta đào đất để tìm những giá trị văn hoá cổ xưa, để khai khoáng… Chúng ta sử dụng hang động để làm những nhà kho vĩnh cửu, để giải trí, và là nơi trú ẩn hiệu quả khỏi những thảm hoạ thiên nhiên và do loài người gây nên. Và khi trên mặt đất trở nên đông đúc hơn và các đường biên giới quốc gia đóng lại, con người đã đào đất để xây dựng các hệ thống đi lại và vận chuyển hàng hoá bất hợp pháp.

Sau đây là một số hình ảnh được chụp bên dưới lòng đất từ khắp nơi trên thế giới.




Một sinh viên trường đại học Indonesia leo xuống hang động Jomblang ở quận Gunungkidul, gần thành phố cổ Yogyakarta, 20/06/2012. Jomblang là một trong số hàng trăm hang động ở quận Gunungkidul. Jomblang nổi tiếng với đất đai màu mỡ và thảm thực vật phong phú, và nằm trên vùng núi đá vôi kéo dài từ Trung Java đến Tây Java.




Phần trên của hang động Jeita Grotto, phía Bắc thành phố Beirut, Lebanon, 10/11/2011. Jeita Grotto là một quần thể hang động nằm trải dài trên 20km thung lũng Nahr al-Kalb (Dog River), phía Bắc thành phố Beirut. Sự hoạt động của nước trên những phiến đá vôi bên trong hang động đã tạo ra những vòm hang trông giống vòm của các nhà thờ với lớp thạch nhũ và măng đá tuyệt đẹp, cùng nhiều hình thù kỳ thú trên vách hang động.



Một phóng viên ảnh tác nghiệp bên trong đường hầm Goldberg ở gần Goldisthal, Thuringia, Đức, 14/05/2012. Con đường hầm dài 1.163m này sẽ được mở cửa để phục vụ giao thông đường sắt vào năm 2017.



Một nữ du khách bước đi bên trong một đường hầm mà theo các nhà khảo cổ học nó là cống thoát nước trên 2.000 năm tuổi, dẫn đến thành phố Jerusalem cổ, 02/08/2011. Các nhà khảo cổ cho biết, việc khai quật đường hầm thoát nước bên dưới thành phố Jerusalem này đã thu được những mẫu vật mới từ một cuộc chiến cách đây 2.000 năm.



Một người đàn ông đang kiểm tra chiếc hố sụt bên trong một căn nhà ở phía Bắc thành phố Guatemala, 19/07/2012. Hàng xóm của gia đình này nghe một tiếng nổ lớn, ban đầu họ tưởng là bị nổ bình gas nhưng sau đó thì họ tìm thấy một hố sụt lớn bên trong căn nhà nói trên. Hố sụt thường xuất hiện do các hoạt động địa chất tự nhiên, có thể xuất hiện từ từ nhưng thường là bất ngờ.



Một công nhân bước đi bên trong nhà máy điện công suất 1450W ở con đập Sardar Sarovar, Kavadia, Ấn Độ.



Mặt đường Route 61, bị hư hỏng và phủ đầy những hình vẽ graffiti ở Centralia, Pennsylvania, 24/05/2012. 50 năm trước, một trận hoả hoạn ở đống rác của thị trấn đã lan tới hệ thống mỏ than bên dưới hàng trăm ngôi nhà và các cơ sở kinh doanh ở miền Đông Bắc Pennsylvania, đã phá vỡ hầu như toàn bộ các công trình nơi đây. Ngọn lửa sau đó tiếp tục lan ra khoảng 400ha nữa, và có thể sẽ tiếp tục cháy âm ỉ trong vào 250 năm tới.



Khoảng 20 triệu con dơi bay ra khỏi hang động Bracken ở Bracken, Texas, 31/08/2011.



Ban nhạc Doyle Lawson và Quicksilver trình diễn tại phòng núi lửa (Volcano Room) trong hang động Cumberland, ở độ sâu 100m dưới mặt đất, thuộc McMinnville, Tennessee, 26/07/2011. Nhà hát tự nhiên này là nơi chương trình radio Bluegrass Underground phát sóng một lần mỗi tháng.



Một lời chào gửi đến khách viếng thăm căn phòng thí nghiệm ở độ sâu 1.478m dưới lòng đất, ảnh chụp vào ngày 30/05/2012. Cơ sở nghiên cứu dưới mặt đất Sanford ở Lead, Nam Dakota, là nơi có thiết bị dò vật chất tối nhạy nhất thế giới. Vật chất tối sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nguồn gốc của vũ trụ.



Một nhân viên của công ty AlpTransit Gotthard Ltd và một người khách đứng bên trong đường hầm NEAT Gotthard Base ở gần Erstfeld, 07/05/2012. Đi qua dãy Alps, đường hầm dài nhất thế giới này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2016. Dự án này bao gồm hai đường ray đơn song song, mỗi cái dài 57km.



Một nhân viên của công ty Landgut Pretschen đeo đèn trên đầu trong lúc kiểm tra các cây rau diếp xoăn, 13/12/2011. Loài rau này phải được trồng trong lòng đất để ngăn không cho lá bị xanh và nở ra dưới ánh sáng mặt trời.



Những người phụ nữ đứng trước cửa một hang động ở làng Bram, trên núi Nuba, miền Nam Kordofan, 28/04/2012. Chạy trốn khỏi nơi bị bắn phá bởi không quân Sudan, hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và sống tạm bợ giữa những tảng đá, hay trong hang động.



Ảnh chụp bên trong một đường hầm mới được tìm thấy ở gần biên giới phía Bắc Tijuana, Mexico, 30/11/2011. Đường hầm này dài khoảng 365m, kết nối cách nhà kho ở San Diego và Tijuana qua biên giới và nó được dùng để vận chuyển ma tuý từ Mexico vào Mỹ.



Bên trong hang động Nerja, gần thị trấn Nerja ở Andalusia, Tây Ban Nha, 14/02/2012. Hang động này trải dài khoảng 5km, và nó có những dấu tích sinh sống của con người vào khoảng 25.000 năm trước Công nguyên.



Một công nhân nhìn lên trên để né tia sáng từ việc hàn điện khi người còn lại đang sửa chữa một đường ống nước ngầm ở Mumbai, Ấn Độ, 16/10/2011. Hệ thống cấp nước ngầm của Mumbai đã hơn 100 tuổi.



Một người khuyết tật đứng thổi sáo trúc để kiếm tiền trong một đường hầm ở đảo Gulangyu, Xiamen, tỉnh Fujian, Trung Quốc, 14/12/2011.



Một nhân viên của Cơ quan quản lý các đường xả lũ ra khỏi thủ đô Tokyo quan sát hồ chứa nước có thể điều chỉnh áp lực, một phần của hệ thống hầm chứa nước ngầm khổng lồ được xây dựng để bảo vệ thủ đô Tokyo và các vùng lân cận không bị ngập lụt do mưa lớn và bão, tại cơ sở ở Kasukabe, miền Bắc Tokyo, 28/09/2011. Hầm chứa nước lớn nhất thế giới này dài hơn 6km, và có thể chứa tối đa 670.000 tấn nước. Trần của hầm được chống bởi 59 chiếc cột, mỗi cái dài 7m, rộng 2m, cao 18m, và nặng chừng 500 tấn.



Khách du lịch bước đi trên lối đi chính vào hang động Niah Great Cave, ở công viên quốc gia Niah, thuộc bang Sarawak, trên đảo Borneo, Malaysia, 29/03/2012. Hang động Niah có những vết tích cổ xưa nhất của người Homo sapiens tìm thấy ở Borneo, và là nơi có lối vào hang động đá vôi rộng nhất thế giới, cùng các bức vẽ trên đá cổ. Các nghiên cứu mới công bố gần đây cho biết, các hoạt động đầu tiên của con người bên trong hang động này là từ khoảng 46.000 đến 34.000 năm trước.



Đường hầm Super Proton Synchroton (SPS) ở trung tâm ngiên cứu hạt thuộc CERN, gần Geneva, Thuỵ Sĩ.



Một công nhân ngồi nghỉ ngơi trước một chiếc bóng đèn dưới một đường hầm tàu điện ngầm đang được xây dựng ở Wuhan, Trung Quốc, 10/03/2012.



Nhà nghiên cứu hang động Carlos Lopez nhìn vào một bức vẽ được cho là cổ xưa nhất thế giới, khoảng 42.000 năm tuổi, bên trong hang động Nerja, miền Nam Tây Ban Nha, 14/02/2012.



Khách du lịch tham quan hang động Jeita Grotto bằng thuyền ở Jeita, phía Bắc thành phố Beirut, Lebanon, 04/10/2012.



Những người Israel tham gia sự kiện hẹn hò nhanh trước ngày Tu Be’Av, ngày lễ tình yêu của người Do Thái, trong hang động Zedekiah, hay còn gọi là Solomon’s Quarries (Mỏ đá của Solomon), nằm dưới thành phố Jerusalem cổ, 14/08/2011.



Một nhân viên khách sạn hướng dẫn cho khách viếng thăm căn hầm trú bom bên trong khách sạn Metropole ở Hà Nội, Việt Nam, 21/05/2012.



Khách du lịch chèo thuyền kayak trên hào nước Beihai từng được quân đội bảo vệ rất nghiêm ngặt trên đảo Nangag thuộc quần đảo Matsu, ngoài khơi Đài Loan, 04/10/2011. Quần đảo Matsu từng là một tiền tuyến bảo vệ chống lại Trung Quốc, và giờ được biến thành một điểm tham quan du lịch.



Một gia đình phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc đụng độ giữa quân nổi dậy và lực lượng của tổng thống Yemen Ali Abdulla Saleh, ngồi trong một hang động trên núi thuộc khu vực Arhab, phía Bắc Sanaa, 08/01/2012, khi đang chờ cứu trợ.



Một người khách du lịch đứng trên các mỏm đá trong hang động Niah Great Cave thuộc công viên quốc gia Niah của Malaysia, 29/03/2012.



Một công nhân vệ sinh đang đi kiểm tra các đường ray trên tuyến Victoria gần ga Highbury và Islington, ở London, 30/03/2012.



Một nhân viên của đơn vị cảnh sát vùng Catalan đang kiểm tra một đường cống ngầm ở Barcelona, 02/05/2012, hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh của ngân hàng trung ương châu Âu.



Một tài xế lái tàu của Cơ quan đường sắt liên bang Thuỵ Sĩ (SBB) ngồi trong cabin trong chuyến hành trình đầu tiên khai trương tuyến tàu 2 đường ray nối liền Geneva và Lausanne trong một đường hầm ở gần Lausanne, Thuỵ Sĩ, 26/04/2012.

LEVUONGTHINH - TINHTE.VN / THE ATLANTIC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét