Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Ảnh - Than đá

Than đá đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của con người. Năm ngoái có khoảng 7000 triệu tấn than đã được khai thác trên toàn thế giới. Nhu cầu sử dụng than vẫn đang tăng lên hàng năm, so với năm 2010, lượng khai thác than đã tăng 6,8%. Có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sở hữu nguồn tài nguyên này, và một số ước đoán cho rằng trữ lượng than đá trên trái đất sẽ cạn kiệt sau 100 nữa với tốc độ khai thác như hiện nay. Khai thác than đá là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Hàng năm ở Trung Quốc có hàng ngàn thợ mỏ đã bỏ mạng, sự nguy hiểm đó cũng hiển hiện tại các mỏ ở phương Tây hay các vùng đất khác.

Việc khai thác và sử dụng than đá còn dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho môi trường của trái đất, vì than khi cháy thải ra nhiều khí CO2 hơn bất cứ nhiên liệu nào khác. Ngoài ra còn có các tác động tiêu cực khác như mưa axit, ô nhiễm nguồn nước ngầm, các bệnh về đường hô hấp, và các phế thải có chứa kim loại. Mặc dù vậy, cuộc sống hiện tại của con người vẫn đang phụ thuộc nhiều vào than đá. Hơn 40% lượng điện năng trên toàn thế giới có được là nhờ đốt cháy than đá, nhiều hơn bất cứ nguồn nào khác. Sau đây là bộ ảnh về việc khai thác than, vận chuyển và các tác động của việc này lên môi trường và xã hội.


Anh Shyam Rai, 22 tuổi, đến từ Nepal, đang di chuyển trong một mỏ than nằm sâu khoảng gần 100m dưới mặt đất, ở gần làng Latyrke, thuộc quận Jaintia Hills, Ấn Độ, 13/04/2011. Quận Jaintia nằm xa về phía Đông Bắc bang Meghalaya, Ấn Đô, ở đây các thợ mỏ phải xuống sâu dưới các mỏ than bằng hệ thống thang gỗ trơn trượt và ọp ẹp. Trẻ em và thanh niên làm việc ở hàng ngàn các mỏ than tư nhân hoặc mỏ bất hợp pháp, lấy than bằng tay không hoặc những dụng cụ hết sức thô sơ và không có thiết bị bảo hộ nào.



Một chiếc thang nâng đưa các thợ mỏ ra khỏi hầm than sâu gần 100m dưới mặt đất lên để họ ăn trưa, Jaintia Hills, Ấn Độ, 13/04/2011. Những người thợ ở đây có thể kiếm được khoảng 150 USD/tuần, hoặc 30.000 Rupee/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình hàng ngày ở Ấn Độ là 15 USD.


Anh Prabhat Sinha, 38 tuổi, mang một giỏ than nặng chừng 60kg, với một dải băng quấn vào đầu, đi lên bằng nhưng nấc thang gỗ tại một mỏ than ở Jiantia Hills, 16/04/2011. Sau khi được đưa xuống núi, than đá được bán sang nước láng giềng Bangladesh và đưa đến Assam, để sau đó phân phối ra cả đất nước Ấn Độ, dùng cho việc tạo điện năng và nguồn nhiên liệu đốt tại các nhà máy xi măng.


Chàng trai 20 tuổi, Anil Basnet, ngồi ở mỏ than đá nơi anh làm việc tại Jiantia Hills, 13/04/2011. Nhiều công nhân đã rời bỏ quê hương ở các bang khác hoặc đất nước khác như Bangladesh, Nepal, đến Jiantia Hills để mong thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.


Anh Anil Basnet đang ra sức đẩy một chiếc xe than, trong khi người đồng nghiệp đứng trên kéo nó ra khỏi mỏ than sâu gần 100m ở Jiantia Hills, 13/04/2011. Một số thợ mỏ gửi tiền kiếm được về cho người thân ở quê nhà, trong khi phần nhiều thợ mỏ tiêu tiền vào rượu chè, ma tuý và mại dâm tại những thị trấn dơ bẩn nằm gần các mỏ than như Lad Rymbai.


Một cậu bé làm việc tại một kho than ở Jiantia Hills, 16/04/2012. Một số trẻ em bị ép buộc làm việc, theo tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, Impulse, có khoảng 5.000 mỏ than tư nhân ở Jiantia Hills, và có chừng 70.000 lao động trẻ em đang làm việc tại đây. Chính quyền bang Meghalaya bác bỏ con số này và cho rằng chỉ có 222 lao động trẻ em. Mặc dù công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm, nhưng trẻ em và các công nhân địa phương vẫn xuống hầm mỏ để mong có thể làm giàu.


Học sinh đi bộ ngang qua một mỏ than trên đường đi học về ở Jiantia Hills, 14/04/2011. Các ngôi trường ở khu vực này miễn học phí, nhưng vẫn rất khó thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em đến trường, khi mà trẻ em được xem như là một nguồn thu nhập. Sự quyến rũ của các mỏ than lớn hơn các lớp học.


Các thiết bị máy móc hạng nặng đang làm việc tại mỏ than lộ thiên Kedrovsky do công ty OAO Kuzbassrazrezugol quản lý, gần tỉnh Kemerovo, Nga, 31/03/2011. OAO Kuzbassrazrezugol là công ty sản xuất than lớn thứ hai ở Nga.


Những vệt khói lớn thải ra từ ống khói của một nhà máy nhiệt điệt chạy bằng than đá ở Ulan Bator, Mông Cổ, 14/10/2011. Tình trạng ô nhiễm ở Ulan Bator thay đổi theo mùa. Vào mùa Hè thì tình trạng ô nhiễm ở mức thấp, nhưng nó sẽ tăng nhanh vào mùa Đông khi các nhà máy nhiệt điện hoạt động mạnh, lượng phần tử gây ô nhiễm môi trường PM10s có thể đạt mức 2.000 microgram trên một mét khối không khí. 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở tại các quốc gia đang phát triển gồm: Iran, Pakistan, Ấn Độ, Botswana và Mông Cổ.


Một nhân viên cứu hộ đang ngồi nghỉ ngơi tại mỏ than Sukhodolskaya-Vostochnaya, ở Ukraine, 29/07/2011. Ít nhất 18 thợ mỏ đã thiệt mạng và 20 người khác mất tích sau khi một vụ nổ xảy ra ở mỏ than được xem là nguy hiểm này, do lượng khí me-tan tích tụ rất lớn.


Bé Nooreen Hayat, 7 tuổi, cầm trên tay 2 cái búa sau khi hoàn thành công việc đập than tại một nhà máy gạch ở ngoại ô Islamabad, Pakistan, 01/02/2011.


Ông Jimmy Murphy đến từ Sprigg, Tây Virginia, cầm trên tay một cái lọ đựng nước giếng ở nhà ông, 15/11/2010. Ông cho biết nguồn nước này nhiễm đầy bùn than từ mỏ của công ty Massey Energy và chi nhánh Rawl Sales & Processing. Công ty khai thác than Massey Energy đã dính vào một vụ kiện tụng kéo dài 7 năm với hàng trăm người dân Tây Virginia khi họ cho rằng công ty này đã làm ô nhiễm nguồn nước uống với bùn than.


Một người đàn ông bước đi trong lớp bụi mịt mù tại một nhà máy than đá ở Lingwu, thuộc khu tự trị Ningxia Hui, Trung Quốc, 29/03/2011.


Một người đàn ông Bosnia đạp xe trên con đường mờ sương ở Sarajevo, 19/01/2011. Khí thải từ các phương tiện giao thông cộng với khí ô nhiễm do đốt than chất lượng kém để sưởi ấm đã tạo nên những đám mây ô nhiễm lờn vờn trên bầu trời Sarajevo trong những ngày ấm bất thường vào tháng 01/2011.


Các công nhân đang làm việc tại mỏ than Auguste Victoria, ở Marl, Đức, 28/06/2011. 3.700 công nhân khai thác được 3 triệu tấn than mỗi năm ở mỏ này.


Người thân của các thợ mỏ bị mắc kẹt tại mỏ Heshan, Trung Quốc, đang an ủi lẫn nhau trong lúc chờ tin tức cứu hộ, 03/07/2011. Mưa lớn đã gây sập mỏ than Heshan, khiến 40 thợ mỏ mắc kẹt, và đồng thời kiến cho nỗ lực cứu hộ bị gián đoạn.


Khói và các khí thải khác bay ra từ ống khói của một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá ở gần Lithgow, Australia, 07/07/2011. Một luật thuế khí thải carbon mới sẽ khiến 500 cái tên đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm nhiều nhất ở Australia phải trả 23 AUD cho mỗi tấn khí thải.


Than đá đang được chuyển đi trên băng chuyền tại mỏ than lộ thiên PT Bukit Asam, ở Tanjung Enim, Indonesia, 07/07/2011.


Chân dung một thợ mỏ làm việc ở tỉnh Shanxi, Trung Quốc, 24/03/2011. Trung Quốc là nước sản xuất than lớn nhất, đồng thời cũng tiêu thụ nhiều nhất thế giới.


Một cặp vợ chồng nằm ngủ dưới bóng cây dù tại bãi than của một mỏ nằm ở ngoại ô Fushun, Trung Quốc, 21/08/2011.


Nhân viên cứu hộ đưa một nạn nhân còn sống sót tại mỏ than Hengtai bị ngập nước, ở Qitaihe, Trung Quốc, 30/08/2011.


Thợ mỏ chuẩn bị đi làm việc tại mỏ than Vorgashorskaya ở Vorkuta, Nga, 30/08/2011. Vorkuta là một trong những khu vực sản xuất than lớn nhất ở Nga.


Một chiếc xe tải khổng lồ có thể chở được 447 tấn than ở mỏ North Antelope Rochelle, thuộc quản lý của công ty Peabody Energy, nằm về phía Bắc Douglas, Wyoming. Chiếc xe tải này đã được tổ chức Guinness thế giới cấp giấy chứng nhận.


Công nhân đường sắt đang đưa một toa tàu chở đầy than đá trở lại đường ra sau khi nó bị trật bánh tại nhà máy điện Sabarmati, ở Ahmedabad, Ấn Độ, 07/09/2011. Bốn người đã bị thương sau khi 6 toa tàu chở than đá bị trật bánh do mưa lớn.


Một chiếc máy đào làm việc tại mỏ than non ở Belchatow, Ba Lan, 28/09/2011.


Một người đàn ông Afghanistan làm việc tại cửa hàng bán than của ông ở thủ đô Kabul, 04/10/2011.


Những người phụ nữ chở than bất hợp pháp bằng xe đạp ở phường Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, Việt Nam, 16/09/2011.


Một thuỷ thủ đoàn tàu MV Rak Carrier đang được đưa lên máy bay trực thăng cứu hộ ngoài khơi biển Mumbai, 04/08/2011. Con tàu MV Rak Carrier cắm cờ Panama, đang chở 60.000 tấn than đá từ Indonesia đi Ấn Độ, đã bị chìm ngoài khơi biển Mumbai, sau khi toàn bộ thuỷ thủ đoàn đã được cứu.


Một người phụ nữ trẻ bị trượt chân khi đang cố mang một giỏ than lớn lấy được từ mỏ than lộ thiên ở làng Bokapahari, Ấn Độ, nơi có một cộng đồng người đi lấy than bất hợp pháp sinh sống và làm việc.


Một thợ mỏ làm việc tại mỏ than Budryk, sâu 900m dưới mặt đất ở Omontowice, Ba Lan, 22/06/2011.


Các công nhân khiêng xác của một người đồng nghiệp trên một chiếc cáng trong nỗ lực cứu hộ tại mỏ than ở ngoại ô Quetta, Pakistan, 13/10/2011. 5 thợ mỏ đã thiệt mạng khi một vụ nổ khí gas tại mỏ than nằm ở phía Tây Bắc Pakistan.


Một công nhân (phải) tại bãi than lau mặt vào buổi sáng sớm ở ngoại ô Kabul, 18/10/2011. Mỗi công nhân kiếm được khoảng 10 USD một ngày. Đa số những công nhân này đến từ các tỉnh phía Bắc của Afghanistan, họ đã rời bỏ gia đình để tìm kiếm vận may ở thủ đô.


Ảnh chụp mặt trước của một chiếc máy đào mỏ liên hồi ở mỏ Allen, gần Trinidad, Colorado, 26/09/2011.


Các nhà hoạt động của tổ chức Hoà Bình Xanh treo mình trên một chiếc cần trục bên trong nhà máy điện Kusile của công ty Eskom, nằm ở thị trấn Delmas, Nam Phi, cùng với những tấm biểu ngữ có nội dung: “Kusile: Kẻ huỷ hoại môi trường”, 07/11/2011. Các nhà hoạt động kêu gọi công ty Eskom thuộc sở hữu của nhà nước ngừng hoạt động nhà máy nhiệt điện chạy bằng than Kusile, một trong 4 nhà máy điện ô nhiễm nhất thế giới.


Cha của một người thợ mỏ bị mất tích khóc lóc tại mỏ than nơi 7 người thợ gặp nạn vì lũ, ở quận Jingtai, tỉnh Gangsu, Trung Quốc, 14/11/2011.


Đường dây điện cao thế tại nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá ở Nierderaussem, Đức, 09/11/2011.


Một nhóm người Bosnia chở than đá phục vụ cho việc sưởi ấm trên một cỗ xe ngựa gần Sarajevo, 09/01/2012. Đi nhặt than và đem bán ở các chợ địa phương là cách duy nhất để người nghèo tại Bosnia có thể sống sót qua mùa Đông.


Một đứa trẻ ngồi mót lại những muội than còn có thể sử dụng tại một xưởng gạch trong những ngày đông giá lạnh ở Surkhroad, Afghanistan, 30/01/2012.

Nguồn: Boston.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét