Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Ảnh - Người nhập cư

Quê hương của họ là những nơi bị chiến tranh tàn phá, xung đột sắc tộc, chính trị, kinh tế kiệt quệ hay môi trường ô nhiễm. Họ phải chọn con đường là rời bỏ quê nhà để tìm kiếm một nơi ở mới với hy vọng thoái khỏi cái đói, nghèo và mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, để đạt được những mơ ước đó đôi khi họ phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Để đến được nơi mong muốn, họ phải trải qua một hành trình đầy gian khổ. Và nếu may mắn đến được cái đích mong muốn là một nước khác, những khó khăn vẫn tiếp tục, đó là sự phân biệt chủng tộc, không có quyền lợi công dân hay nguy cơ bị trục xuất và trả về nơi họ đã ra đi. Sau đây là bộ ảnh về những người nhập cư trái phép, những người đang trong hành trình định nghĩa lại từ “quê hương”.



Nhân viên cứu hộ đang giúp đỡ những người nhập cư khi con thuyền chở khoảng 250 người bị va vào đá và chìm trong lúc đang cố gắng cập cảng Pantelleria, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển nam Italy, 13/04/2011. Đất nước Italy đang phải đối mặt với nạn nhập cư trái phép đến từ các nước Bắc Phi do xung đột chính trị, những người này bất chấp cả mạng sống vượt qua vùng biển Địa Trung Hải đầy sóng gió trên các con thuyền nhỏ bé.



Người nhập cư từ Mỹ Latinh và châu Á trong một chiếc xe tải đang tìm cách vào nước Mỹ và bị phát hiện bởi thiết bị chụp X-quang của cảnh sát Mexico ở bang Chiapas, 18/05/2011. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 500 người nhập cư trốn trong 2 chiếc xe tải tại một điểm kiểm soát.


Người tị nạn thuộc bộ tộc Guere bên trong một trại tạm trú được lập nên ở nhà thờ tại Duekoue, Bờ Biển Ngà, 18/05/2011. Những người này đã bị đuổi khỏi nhà bởi lính hoặc các phiến quân trong cuộc đụng độ giữa quân của cực tổng thống Laurent Gbagbo và đối thủ Alassane Outtara. Khoảng 27.000 người Bờ Biển Ngà vẫn chưa dám trở về nhà.


Lửa cháy tại Trung tâm giam giữ người tị nạn Villawood ở Sydney, Australia, 21/04/2011. Hơn 100 người nhập cư đang bị tạm giam chờ trục xuất đã trèo lên mái nhà phóng hỏa và dùng cây tấn công nhân viên bảo vệ trung tâm với lý do: Phản đối chính phủ Úc không cho họ tị nạn tại Úc và nhân viên bảo vệ trung tâm hạn chế họ tự do đi lại.


Những người nhập cư ngồi trên mái nhà của Trung tâm giam giữ người tị nạn Villawood tham gia cuộc biểu tình ngày 21/04/2011 để đòi quyền tị nạn.


Những người nhập cư Tunisia bị trục xuất khỏi đảo Lampedusa đưa đến một trung tâm tiếp nhận ở Manduria, Italy, nhảy qua hàng rào bảo vệ để trốn thoát khỏi trại, 01/04/2011. Chính phủ Italy đã chuẩn bị một kế hoạch cho khoảng 10.000 người nhập cư tạm thời, trước khi hồi hương họ trở lại Tunisia.


Binh sĩ Syria chuẩn bị giao nộp người phụ nữ này cho quân đội Lebanon khi bà đang tìm cách vượt qua biên giới để vào phần đất thuộc bắc Lebanon từ ngôi làng Arida, Syria, 19/05/2011. Người thân của bà đã rời bỏ nhà cửa ra đi do lo ngại những cuộc xung đột trong nước, bỏ bà lại phía sau.


Nhóm người Afghanistan bị cảnh sát biển bắt ngoài khơi đảo Java khi đang trên đường đến Australia, đi bộ tới một khu tạm trú ở cảng Tanjung Perak, Surabaya, Indonesia, 02/05/2011. Indonesia là một nơi mà người nhập cư Afghanistan chọn làm "chỗ quá cảnh" để tìm cách tị nạn ở Australia.


Một người phụ nữ nhập cư đang mang thai được đưa đến bệnh viện ở Lampedusa, 26/03/2011. Khi còn tàu chở 350 nhập cư từ Libya bị va phải đá ở gần bờ biển Italy, một người phụ nữ khác đã sinh em bé ngay trên tàu, rất may là cả đứa bé và cha mẹ của em đã được cứu sống bởi một chiếc trực thăng của quân độ Italy.


Nhân viên cảnh sát yêu cầu Georgina Perez và các người bạn nhập cư trái phép của cô di chuyển đi nơi khác hoặc sẽ bị bắt khi họ đang ngồi biểu tình đòi quyền được giáo dục ở cấp cao hơn cho người nhập cư trái phép, khiến tắc nghẽn giao thông ở Atlanta, Mỹ.


Một chiếc tàu chở người nhập cư Tunisia cập bến Lampedusa vào đêm 26/03/2011. Một số lượng lớn người nhập cư đã đến hòn đảo của Italy kể từ khi cựu tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị trục xuất vào giữa tháng 01/2011.


Binh sĩ Italy giúp đỡ một người nhập cư bị thương khi đang cố tìm cách thoát khỏi trại tạm trú ở Lampedusa, một hòn đảo nhỏ nằm gần Bắc Phi.


Người nhập cư Ethiopia chạy trốn khỏi những cuộc xung đột bạo lực ở Libya đang chờ tại Trung tâm giam giữ người tị nạn Lyster ở Hal Far, Malta, 19/04/2011. Mong muốn của những người này không gì khác ngoài một chỗ ở yên ổn để bắt đầu cuộc sống mới.


Một người nhập cư Ethiopia ẵm đứa con 2 tuần tuổi của cô tại Trung tâm giam giữ người tị nạn Lyster ở Hal Far, Malta, 19/04/2011.


Một chiếc xe của nhân viên thuộc Cục hải quan và biên giới Mỹ đang đi tuần tra ở đường biên giới quốc tế tại Nogales, Arizona.


Hơn 1.000 người nhập cư chủ yếu đến từ châu Phi đứng xếp hàng ở cảng Misrata, Libya, chờ để lên tàu của Tổ chức quốc tế cho người nhập cư, 04/05/2011, trong lúc thành phố này đang bị đánh bom.


Khoảng 250 người nhập cư chen chúc trên chiếc tàu nhỏ này để đến được đảo Lampedusa, Italy, 06/05/2011.


Những thanh niên này đang kiểm tra chiếc tàu nằm trên bãi biển Kram, Tunisia, 10/05/2011, chuẩn bị cho một chuyến đi tìm nơi ở mới.


Hai người nhặt rác Hy Lạp gốc La Mã tìm kiếm phế liệu kim loại giữa đống nát tại khu ổ chuột của người Albania gốc La Mã ở ngoại ô thủ đo Athens, 09/04/2011. Cảnh sát Hy Lạp cho hay có 2 người đàn ông đã chết và 3 người khác bị thương trong trận đụng độ giữa những người nhặt rác tại một bãi rác ngoại ô Athens. Nạn nhân được cho là những người nhập cư gốc Á, những người này đã xung đột với người Albania gốc La Mã do tranh giành phế liệu từ các bãi rác.


Người nhập cư Do Thái từ Ethiopia tham dự bữa ăn tối mừng ngày Lễ Vượt Qua tại trung tâm người nhập cư ở Mevasseret Zion, Israel, 14/04/2011.


Người nhập cư trái phép hiển thị trên màn hình thiết bị quan sát ban đêm của cảnh sát biên phòng Hungary tại đường biên giới phía Nam của nước này với Serbia, gần Roeszke, Hungary, 25/06/2008. Cảnh sát Anh và Hungary ngày 19/04/2011 cho biết, họ đã phá được một đường dây quốc tế chuyển đưa người Việt Nam vào châu Âu trái phép. Tính đến nay đã có hàng ngàn người Việt được đưa vào châu Âu thành công. Đã có 19 người bị bắt tại Pháp, 9 người tại Đức và số còn lại là ở các nước Czech, Hungary và Anh. Những người muốn sang châu Âu phải trả khoảng 4.000 USD để được đưa tới Đức qua Moscow (Nga). Sau đó họ được đưa sang Anh hay Pháp, rồi gia nhập cộng đồng người Việt tại đây.


Một người Iran nhập cư trái phép bị bắt cùng với hàng chục người khác sau khi con thuyền của họ cập cảng ở đảo Java, ẵm con trong tay tại Trung tâm giam giữ người nhập cư ở Cilacap, Indonesia, 26/04/2011.


Người phụ nữ này đang tham gia cuộc biểu tình do người nhập cư đến từ El Salvador, Guatemala và Honduras phản đối luật nhập cư của Mexico, trước tòa nhà quốc hội Mexico, ở thủ đô Mexico City, 26/04/2011.


Cuộc tuần hành trong ngày quốc tế lao động 01/05/2011 ở Los Angeles, Mỹ. Hàng ngàn người đã tham gia tuần hành để kêu gọi sửa đổi luật nhập cư, cùng nhiều vấn đề khác.


Cảnh sát biên phòng Romania kiểm tra các toa tàu ở biên giới với Moldova. Romania đang cố gắng thuyết phục các nước đồng minh châu Âu rằng họ xứng đáng được gia nhập khu vực miễn thị thực trong năm 2011.


Người nhập cư leo lên bờ đá ở đảo Christmas, Australia, trong lúc nỗ lực cứu hộ nạn nhân từ con tàu bị đắm đang được triển khai, 15/12/2010. Ngày 12/05/2011, cảnh sát Australia đã buộc tội một người đàn ông với tội danh đưa người nhập cư trái phép, liên quan đến vụ đắm tàu khiến 48 người thiệt mạng.


Nhân viên Hội chữ thập đỏ ẵm đứa trẻ trên tay tại một cảng ở Motril nam Tây Ban Nha, 15/05/2011. 65 người, gồm 25 đàn ông, 30 phụ nữ và 10 trẻ em chen chúc trên một chiếc tàu đánh cá đã bị bắt ngoài khơi bờ biển phía nam Tây Ban Nha khi đang trên đường tới châu Âu từ châu Phi.


Một cậu bé người Palestine chơi trước dãy nhà được xây dựng lại ở tổ chức UNRWA, tổ chức cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ, vốn bị phá hủy trong các cuộc chiến năm 2007, tại trại tị nạn cho người Palestine ở Nahr al-Bared, bắc Lebanon, 19/04/2011.


Ông Adar Gul, 80 tuổi, một người tị nạn Afghanistan, đang ngồi xếp gạch tại một công xưởng ở ngoại ô Islamabad, 16/05/2011.


Một người phụ nữ người Somali cùng các con đứng trước cái mà họ gọi là nhà tạm do chính tay họ làm sau khi căn nhà cũ của họ đã bị cơn lũ cuốn trôi ở quận Hamarweyne, nam Mogadishu, 19/05/2011.


Hàng chục ngàn người Sudan mất nhà cửa khi rời bỏ làng quê do các cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, đi tìm sự bảo vệ tại trại Zamzam IDP, bắc Dafur, 15/03/2011. Trong vòng 3 tháng qua, hơn 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa do những cuộc xung đột ở miền tây Dafur.


Một người phụ nữ tị nạn từ Somalia tham gia cuộc biểu tình chống lại Cao ủy LHQ về người tị nạn ở New Delhi, Ấn Độ, 16/05/2011. Những người tị nạn yêu cầu có quyền được hòa nhập với cộng đồng địa phương, tự nguyện hồi hương, hoặc được tái định cư ở một nước thứ ba.


Những người Myanmar nhập cư trái phép tiến qua biên giới với Thái Lan trên chiếc thuyền phao nhỏ xíu ở Mae Sot, Thái Lan. Những người tị nạn phải chạy trốn khỏi khu vực miền Đông Myanmar do chiến tranh đang lo ngại về tương lai sau khi Thái Lan tuyên bố sẽ đóng cửa những khu trại dọc theo biên giới, vốn đang là nơi ở của hơn 140.000 người.


Các cậu bé tị nạn theo Đạo Hồi đi học ở trại tị nạn Mae La, gần biên giới Thái Lan – Campuchia.


Cô Okpara, một người nhập cư 36 tuổi, cầm trên tay lá cờ Israel trong lớp học cho trẻ nhập cư trái phép và công nhân nước ngoài tại một nhà trẻ ở Tel Aviv, 11/05/2011. Okpara điều hành một nhà trẻ “tư thục”, một trong số hành chục nhà trẻ ở Tel Aviv cung cấp dịch vụ giữ trẻ hàng ngày cho người nhập cư trái phép, ước tính có khoảng 100.000 trong số 220.000 công nhân nước ngoài đang làm việc ở Israel mà không được cấp phép.


Các em bé người Myanmar chia sẻ giường ngủ trong một căn phòng ở ngoại ô Kualar Lumpur, Malaysia. Người tị nạn ở Malaysia, chủ yếu là người Myanmar, có thể có được cơ hội chuyển đến Australia theo một cam kết mới được thông báo gần đây rằng có khoảng 4.000 người tị nạn ở Malaysia được chuyển đến Australia trong thời gian 4 năm.


Một em bé người Syria đứng bên ngoài trại tị nạn mới thành lập ở Boynuyogun, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria, 12/06/2011. Cuộc sống của con người nơi đây trở nên chông chênh bởi những xung đột ở chính đất nước của họ.

Nguồn: Boston.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét