Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Ảnh - Nam Sudan – Thế giới có thêm một quốc gia

Ngày 9/7/2011, Cộng hòa Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập sau cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm giữa lực lượng nổi dậy ở miền Nam và các chính phủ Sudan qua các thời kỳ làm cho khu vực bị tàn phá, hàng triệu người thiệt mạng. Chính phủ Sudan ngày 8/7 đã chính thức tuyên bố công nhận Nam Sudan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền kể từ ngày 9/7/2011, dựa trên đường biên giới ngày 1/1/1956. Lễ tuyên bố độc lập được tổ chức tại khu lăng mộ của thủ lĩnh Phong trào giải phóng nhân dân Sudan John Garang, với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, cùng đại diện của Liên đoàn Arập, Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu...

Hai ngày sau khi được công nhận là quốc gia độc lập có chủ quyền, ngày 11/7, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã thông báo thành lập nội các lâm thời mới, gồm các bộ trưởng từ chính quyền bán tự trị cũ, nhằm điều hành đất nước cho tới khi bổ nhiệm một chính phủ thường trực. Ông Kiir cũng tái bổ nhiệm Riek Machar làm phó Tổng thống và đứng đầu nội các lâm thời. Và đến ngày 14/7, Đại Hội đồng Liên hợp Quốc đã chấp nhận Nam Sudan là thành viên thứ 193 của tổ chức lớn nhất thế giới này. Cộng hòa Nam Sudan đã trở thành quốc gia thứ 54 ở châu Phi kể từ ngày 9/7 vừa qua. Tuy nhiên, quốc gia non trẻ này sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn vì tranh chấp và xung đột vẫn diễn ra tại các khu vực biên giới như Abyei, Nam Kordofan và đặc biệt là Darfur. Theo đánh giá của LHQ, cần ít nhất 2-3 năm để ổn định Nam Sudan sau nhiều thập kỷ nội chiến, xung đột sắc tộc và nghèo đói làm gần 2 triệu người thiệt mạng.

Sau đây là bộ sưu tập ảnh được chụp trong vài tháng qua, ghi lại hình ảnh đời thường, chân dung người dân Nam Sudan và lễ ăn mừng ngày độc lập.



Hàng ngàn người dân Nam Sudan đã tổ chức lễ mừng ngày độc lập tại thủ đô Juba, 09/07/2011. Nam Sudan tách ra từ Sudan, trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới và là thành viên thứ 193 của LHQ.



Một cử tri Nam Sudan đang được chỉ dẫn để bỏ phiếu bầu trong ngày cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 1 tuần; ảnh chụp ngày 15/01/2011 ở Juba. Với kết quả 98,83% cử tri chọn giải pháp độc lập, Nam Sudan đã chính thức trở thành quốc gia trẻ nhất trên thế giới.


Một người phụ nữ cầm trên tay cây Thánh giá khi đang cầu nguyện trong Thánh lễ ngày Chủ Nhật tại một nhà thờ ở Juba, 16/01/2011, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử kết thúc. Nhà lãnh đạo miền Nam Sudan, Salva Kiir, đã kêu gọi người dân tha thứ cho những hành động của người theo Đạo Hồi ở miền Bắc trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm qua.


Một cửa hàng bán thực phẩm ở chợ thuộc thị trấm Yambio, Nam Sudan. Ảnh chụp ngày 16/01/2011.


Người dân Nam Sudan tham dự một Thánh Lễ ngày Chủ Nhật trong ngày đầu tiên sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, 16/01/2011, Yambio.


Những người này đang chờ đăng ký nhập viện tại một bệnh viện hoạt động dưới sự hợp tác với tổ chức Bác sĩ không biên giới (Medecins Sans Frontieres), 17/01/2011, Yambio, Nam Sudan.


Một cậu bé đến từ bộ lạc chăn bò Mundari nở nụ cười tươi trong một buổi sáng sớm ở khu định cư Terekeka, bang Trung Equatoria, Nam Sudan, 19/01/2011.


Các thành viên của tổ dàn trang đang kiểm tra lại bản in của tờ The Citizen, một tờ nhật báo tiếng Anh, tại văn phòng làm việc ở thủ đô Juba, Nam Sudan, 28/01/2011.


Anh Mandela Moses, làm việc cho Tổ chức phòng chống bom mìn quốc tế (Mine Advisory Group - MAG) đang tháo gỡ một quả đạn 122 ở khu vực Jebel Kujur, một vùng đồi núi ở ngoại ô thủ đô Juba, Nam Sudan, 24/01/2011.


Cô gái trẻ đến từ bộ lạc Taposa, thị trấn Kapoeta, Nam Sudan dừng lại để nhiếp ảnh gia Pete Muller chụp ảnh, 04/02/2011. Taposa là một bộ lạc sống bằng nghề chăn nuôi súc vật ở khu vực Đông Nam đất nước Nam Sudan, nơi vẫn đang có mức sống rất thấp với đầy rẫy nạn cướp bóc, bom mìn, xung đột sắc tộc và mất an ninh công cộng.


Các cửa hàng tại một khu chợ ở Aweil, thủ phủ bang Bahr al-Ghazal về phía Bắc Nam Sudan, 29/01/2011.


Người dân Nam Sudan ăn mừng sau khi kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý độc lập được công bố ở thủ đô Juba, 07/02/2011. Theo kết quả chính thức, gần 99% cử tri mong muốn một nền độc lập cho Nam Sudan.


Một người đàn ông Sudan với đôi bàn tay đỏ vì nhúng vào máu của một con bò làm vật tế khi anh ta cùng những người khác ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở thủ đô Khartoum, bắc Sudan, 07/02/2011.


Những tài liệu mang tính lịch sử của quốc gia trẻ nhất thế giới được sắp xếp và lưu trữ trong một căn lều ở thủ đô Juba, Nam Sudan, 01/02/2011. Tài liệu của quốc gia này đã bị hư hại khá nhiều trong thời chiến, và phần lớn đang được lưu giữ trong những căn lều tạm trong lúc chờ được số hóa.


Các bà bầu đang ngồi chờ để được khám tại khu vực sản khoa ở bệnh viện dân sinh Aweil do nhóm Bác sĩ không biên giới (MSF) thành lập, đây là bệnh viện duy nhất ở bang Bahr al-Ghazal, bắc Sudan, 26/01/2011. Để đến được bệnh viện này, những người ở xa nhất có thể mất đến 2 ngày đường, tuy nhiên theo các bác sĩ của MSF việc tiếp xúc với bác sĩ, thuốc men và các thiết bị y tế hiện đại giảm tỉ lệ tử vong ở sản phụ. Ở Nam Sudan, tỉ lệ tử vong ở sản phụ là 14%, trong khi tại bệnh viện của MSF chỉ là 0,6%.


Mary Ayok Thil, 22 tuổi, đang ngồi trên giường để chờ sinh sau khi đến bệnh viện ở Aweil cách 1 tháng trước, ảnh chụp ngày 26/01/2011.


Ba chàng trai trẻ làm nghề giữ gia súc đến từ bộ lạc Dinka Rek với trang bị súng ống chụp ảnh tại một trang trại ở hạt Wunlit, Nam Sudan, 21/04/2011. Việc tranh giành các khu đầm lầy có nước để chăn nuôi gia súc giữa các bộ lạc đã gây ra xung đột. Buổi sáng sau khi bức ảnh này được chụp, 3 chàng trai trên cùng với những người thuộc bộ lạc Rek đã đụng độ với những người chăn nuôi gia súc khác, kết quả là có ít nhất 3 người thiệt mạng và một vài bị thương nghiêm trọng.


Linh mục Emmanuel Malau ở nhà thờ trong làng Mayan Abun chụp ảnh cùng với những đứa trẻ vô gia cư, chạy khỏi nơi cư trú do các cuộc xung đột nghiêm trọng ở Abyei, 26/05/2011. Cha Malau thường đi trên chiếc xe bán tải và tìm kiếm những đứa trẻ lang thang ở Abyei và đưa chúng đến nơi an toàn.


Người dân Nam Sudan đi bộ qua lại một nhà thờ được dựng bằng gỗ và lá ở thị trấn Turalei, tỉnh Warrap, cách 80 dặm về phía Nam ở khu vực xung đột Abyei, gần biên giới giữa miền Bắc và Nam của đất nước này.


Đàn gia súc đang gặp cỏ trên một cánh đồng gần con sông thuộc khu vực đầm lầy Sudd, Nam Sudan, 21/06/2011. Các vùng đầm lầy rộng lớn bao phủ hầu hết khu vực lãnh thổ phía Bắc của đất nước Nam Sudan và nghề chăn nuôi gia súc là nghề chính của người dân nơi đây, nó tạo ra một nét văn hóa rất riêng.


Những người phụ nữ Sudan đi và về trên con đường đến thị trấn Pariang ở tỉnh Unity, Nam Sudan để tìm kiếm thức ăn cho gia đình sau khi phải rời bỏ quê hương ở Jau, 23/06/2011. Các gia đình ở Jau đã phải bỏ nhà ra đi khi khu vực này bị bỏ bom.


Một chàng trai vác con dê trên vai và cả một nụ cười tươi trên miệng. Anh đang trên đường mang con dê đến chợ để bán, 02/07/2011.


Các cậu bé người Nam Sudan trú mưa dưới chiếc bàn gỗ, khi cơn mưa khiến màn tập dượt cho lễ ăn mừng độc lập ở thủ đô Juba bị gián đoạn, 04/07/2011.


Một người lính thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Sudan đứng trong hàng ngũ tập dượt cho lễ ăn mừng độc lập ở Juba, 05/07/2011.


Đặt tay nơi ngực trái và hát bài quốc ca mới trong cuộc tuần hành tổ chức bởi Phong trào giải phóng nhân dân Sudan ở Juba, 05/07/2011, 4 ngày trước khi đất nước Nam Sudan chính thức được công nhận độc lập.


Những người phụ nữ này đang đứng mua món gà chiên tại một cửa hàng ven đường ở chợ Konyo Konyo, thủ đô Juba, Nam Sudan, 06/07/2011.


Buổi tập dượt cho lễ ăn mừng thu hút cả một chú khỉ đến theo dõi, 07/07/2011.


Hai người thuộc bộ lạc Mundari vật lộn ở nơi họ mang súc vật đến để bán tại thủ đô Juba 07/07/2011. Những người thuộc bộ là Mundari sống ở miền Nam và nổi tiếng với nghề chăn nuôi gia súc.


Người dân Nam Sudan đổ ra đường mừng ngày độc lập, 09/07/2011.


Nhảy múa cùng với một cây pháo hoa ở Juba, 09/07/2011.


Các cậu bé Nam Sudan cầm nến trên tay khi đồng hồ điểm qua mốc nửa đêm ngày 09/07/2011, ngày mà đất nước Nam Sudan được chính thức công nhận độc lập.


Một người đàn ông với gương mặt in hình lá cờ Nam Sudan tham dự lễ ăn mừng ở Juba, 09/07/2011.


Hàng chục ngàn người chung niềm vui ở thủ đô Juba, 09/07/2011.


Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir giơ cao cuốn hiến pháp mới của đất nước trước đám đông tập trung tổ chức ăn mừng ngày độc lập ở Juba, 09/07/2011. Như vậy là thế giới đã có thêm một quốc gia mới. Chúc cho đất nước các bạn sẽ phát triển vững mạnh.

Nguồn: Boston.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét