Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Ảnh - Miệng núi lửa Nyiragongo

Tháng 6 năm 2010, một nhóm các nhà khoa học và những nhà thám hiểm gan dạ đã leo xuống bờ hồ dung nham nóng chảy ở dưới miệng núi lửa Nyiragongo, ở giữa vùng Great Lakes, châu Phi. Nhóm này đã mơ được đi bộ dọc theo bờ hồ dung nham lớn nhất thế giới.

Những thành viên trong đoàn đã bị mê hoặc bởi những tấm ảnh mà họ được xem khi còn nhỏ, trong bộ ảnh tư liệu năm 1960 mang tên “The Devil’s Blast”, của Haroun Tazieff, người đầu tiên giới thiệu với công chúng hình ảnh những dòng dung nham nóng đỏ ở đáy miệng núi lửa Nyiragongo. Nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald chỉ đứng cách mép hồ khoảng 1m và đã mang tới cho chúng ta những tấm ảnh hết sức chân thực về hồ nham thạch này. Olivier Grunewald cũng là tác giả của bộ ảnh “Cuộc sống ở mỏ lưu huỳnh Kawah Ijen, Indonesia” mà chúng ta đã có dịp xem qua hồi tháng 12 năm ngoái.


Khung cảnh nhìn từ miệng núi lửa Nyiragongon cao gần 3.500m. Ở độ sâu khoảng 400m, hồ dung nham đã tạo nên một trong những kỳ quan ở châu Phi.



Hồ dung nham của núi lửa Nyiragongo là lớn nhất thế giới, ước đoán chứa khoảng 86 triệu mét khối dung nham. Vào năm 1977 và 2002, dòng dung nham đã vươn ra khỏi miệng núi, phá hủy một phần lớn thành phố Goma của nước CH Congo.


Trên mặt hồ là những bọt khí đang nổ. Mặt hồ luôn gợn sóng bởi sự vận động mãnh liệt của vỏ trái đất.


Ngay cả khi dòng dung nham thường xuyên tràn ra khỏi mép hồ, nhưng 7 thành viên trong đoàn luôn giữ khát khao đi quanh hồ.


Núi Nyiragongo là một trong 8 ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở vùng Virunga.


Khi leo xuống hồ, các thành viên thường bị đe dọa bởi các tảng đá rơi từ trên xuống. Ngoài ra, các dòng khí cũng khiến mắt họ bị nhòa.


7 thành viên phải mang theo tổng cộng gần 600kg gồm thiết bị, thức ăn và nước, đủ dùng trong 2 ngày. Chỗ nghỉ chân được đặt ở độ cao 120m so với mặt hồ.


Để thực hiện chuyến hành trình này, các thành viên đã phải trải qua 4 tháng tập luyện nghiêm túc.


Jacques Barthelemy, một người leo núi và là người sống lâu ở vùng núi Nyiragongo, sử dụng một dây thừng để thả túi xách chứa thiết bị đến bờ hồ thứ hai.


Những dòng khí từ hồ dung nham hun nóng lều của đoàn và cả nhóm phải thường xuyên đeo mặt nạ để ngủ.


Sử dụng một thước đo laser, một thành viên đang đo sự thay đổi về kích thước của hồ.


Dario Tedesco, một chuyên gia về núi lửa, thu lượm những luồng khí để tìm hiểu thêm về hoạt động của núi lửa.


Dòng khí nóng được đựng trong một bình nhỏ. Các nhà khoa học nói rằng việc nghiên cứu về miệng núi lửa qua từng giai đoạn là hết sức quan trọng, để giúp hiểu hơn về núi lửa và tính toán xem khi nào nó có thể phun trào.


Ban đêm, khu vực lều trại được chiếu sáng bởi ánh sáng phát ra từ hồ.


Mục tiêu của đoàn là đến được mép hồ. Chưa từng có người nào trước đó sống sót khi làm việc này.


Các thành viên trong đoàn giữ liên lạc thông qua bộ đàm và thông báo với nhau số liệu về các hoạt động của hồ dung nham và hướng của những dòng khí.


Các thành viên phải chọn phương pháp leo xuống tối ưu nhất để đảm bảo an toàn.


Pierre-Yves Burgi đang thu lượm khí gần đáy của miệng núi lửa. Những mẫu khí này sẽ được Dario Tedesco nghiên cứu, người mới đây đã được chọn làm lãnh đạo bộ phận Nghiên cứu và phòng chống thảm họa thiên nhiên cùng với Cơ quan dịch vụ dự án của liên hiệp quốc.


Những bọt khí phát ra từ dòng dung nham nóng chảy trên mặt hồ.


Franck Pothé đang tiến đến dòng dung nham tràn qua miệng hồ. Để đến gần như vậy, gió phải thối từ sau lưng anh ta về phía hồ, thổi luồng khí nóng đi. Pothé liên tục được thông báo về hướng gió thông qua bộ đàm với các thành viên khác.


Marc Caillet là thành viên đầu tiên tới được mép hồ.


Olivier Grunewald bọc các dụng cụ chụp ảnh của anh lại để bảo vệ chúng khỏi những luồng khí nóng có thể lên đến 1.300 độ C.


Tiến đến hồ chứa 282 mét khối dung nham đòi hỏi các thành viên phải được bảo vệ thật an toàn.


Vướng víu bởi lớp áo bảo vệ, Olivier Grunewald phải được chỉ đường qua bộ đàm để biết anh ta phải bước đi và đặt tay ở đâu.


Bức ảnh cận cảnh hồ dung nham đầu tiên của Grunewald. Anh đã kể lại rằng: "Tôi đã bị choáng ngợp bởi mặt hồ và cố gắng để chụp ảnh, lúc đó tôi không hề có ý niệm về thời gian và cái nóng... bất ngờ tôi nhận được thông báo đến lúc phải quay lại, dòng dung nham đã đến quá gần".


Mối nguy hiểm lớn đến từ những dòng dùng nham nóng chảy tràn qua mặt hồ. Những thành viên quan sát hồ từ bờ hồ thứ hai sẽ giúp cảnh báo các thành viên bên dưới về bất cứ mối đe dọa nào từ các dòng dung nham.


Ban đêm, ánh sáng phát ra từ miệng hồ trở nên huyền ảo, nhưng những dòng khí có thể bao phủ phần đáy hồ chỉ trong vài giây đồng hồ.


Một dòng dung nham chảy tràn qua mặt hồ buổi đầu hôm. Năm này qua năm khác, dòng dung nham tiến gần hơn đến bờ vách của miệng núi lửa, cho đến khi một đợt phun trào mới thổi đi tất cả chất lỏng trong lòng hồ. Mục tiêu lớn nhất trong lần thám hiểm này là để tăng thêm sự hiểu biết về núi lửa và khả năng dự đoán thời điểm phun trào nhằm tránh một thảm họa có thể xảy ra.

Nguồn: The Big Picture

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét