Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Ảnh - Đường và Muối – Ngọt và Mặn

Hàng ngày chúng ta vẫn thường xuyên dùng đường và muối trong việc ăn uống và các việc khác, nhưng có thể nhiều bạn vẫn chưa biết được cách người ta làm đường và muối như thế nào. Đa số đường mà chúng ta dùng được làm từ cây mía, còn muối thì thu hoạch từ những cánh đồng muối hay các mỏ muối. 

Hơn 160 triệu tấn đường được sản xuất mỗi năm ở khoảng 100 quốc gia, hầu hết là từ cây mía ở các nước nhiệt đới. Trong khi đó thế giới sử dụng hết 240 triệu tấn muối mỗi năm bao gồm cả trong việc chế biến thực phẩm và dùng trong công nghiệp. Đường có vị ngọt, còn muối thì mặn; sự tương phản này được thể hiện qua bộ ảnh sau đây. Mời các bạn xem qua để biết thêm về những thứ rất bình thường trong cuộc sống của chúng ta.


Một thân cây mía bị chặt phần ngọn trên một cánh đồng ở tỉnh Saraburi, Thái Lan, 09/05/2013. Thái Lan là nước xuất khẩu đường mía lớn thứ hai trên thế giới.


Cô Bhartiben Rameshbhai đào một lớp muối bị ngập nước lũ ở gần làng Odu ở vùng Little Rann thuộc khu vực Kutch, Ấn Độ, 01/05/2013. Những cơn mưa trái mùa gần đây đã cuốn trôi hàng tấn muối quý giá ở làng Odu, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm người dân nơi đây.


Một du khách đi bộ qua căn phòng gương (Chamber of the Mirrors) trong mỏ muối Nemocon, ở Colombia, 26/09/2012. Đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở đất nước Colombia.


Ông Antonio Noguera nấu sôi nước lấy từ đầm lầy đước ở một khu hồ để tạo ra muối ăn tại một mỏ muối ở Colorado de Abangares, Guanacaste, Costa Rica, 11/04/2013. Những người như ông Antonio làm việc trong môi trường nóng nực với nhiệt độ dao động từ 35 – 40 độ C, và kiếm được chừng 122 USD mỗi tháng.


Cánh đồng muối ở làng Palibelo, ngoại ô thành phố Bima, Indonesia, 22/11/2012.


Một người đàn ông cầu nguyện bên trong ngôi đền làm từ những “tảng gạch muối” nằm trong khu mỏ muối Khewra ở Pakistan, 30/03/2010. Đây là mỏ muối lâu đời nhất ở Pakistan và là một địa điểm thu hút khách du lịch chính ở nước này, có khoảng 250.000 du khách viếng thăm mỗi năm. Lịch sử của khu mỏ muối này bắt đầu từ năm 320 trước công nguyên khi quân đội của Alexander khám phá ra nó, nhưng các hoạt động buôn bán bắt đầu từ thời kỳ Mughal. Đường hầm chính được phát triển dưới thời cai trị của thực dân Anh năm 1872. Mỏ muối này sản xuất được khoảng 350.000 tấn muối mỗi năm.


Một công nhân đặt những bông hoa muối trên lòng bàn tay, hay còn gọi là trứng muối, tại cánh đồng muối ở gần Nin, Croatia, 24/08/2012. Muối này xuất hiện trên bề mặt biển như một lớp mỏng gọi là bông muối, trông như những cánh hoa, chúng được thu hoạch bằng những cái sàng nhỏ. Giá cho loại muối này lên đến 50 euro một kg, hơn 1,3 triệu đồng tiền Việt.


Khói bốc lên từ một ống khói của nhà máy đường ở Plattling, Đức, 09/10/2012.


Một người đàn ông Afghanistan làm món kẹo truyền thống tại một nhà máy ở ngoại ô Jalalabad, 25/11/2012.


Một công nhân đốt bã mía, một công đoạn trong quá trình sản xuất than sinh học, tại nhà máy Eco Fuel Africa, ở Lugazi, Uganda, 29/01/2013. Quá trình này sản xuất ra một loại bột có thể dùng làm phân bón hữu cơ hoặc nén lại để dùng như là một nhiên liệu sinh học có thể cháy lâu hơn cả than củi.


Một người đàn ông làm việc trên cánh đồng muối ở tỉnh Pangasinan, Phillipines, 06/05/2013. Nghề làm muối là nguồn thu nhập chính của các thị trấn ven biển.


Một người phụ nữ xúc đất đem đi đổ sau khi đã lọc lấy muối từ đất ở Djegbadji, Benin, 11/01/2013. Các công nhân làm muối thủ công ở đây đào lớp đất trên cùng ở gần nhà họ sau đó đổ đất vào vại và lọc bằng nước để chiết xuất muối. Nước muối sau đó được nấu sôi để nước bay hơi và thu được muối khô.


Một công nhân kiểm tra chất lượng mẫu rượu ethanol tại một cơ sở sản xuất gần Sertaozinho, Brazil, 24/08/2012.


Một người đàn ông Campuchia gánh những thùng nước thốt nốt để mang đi làm đường vào mùa thu hoạch ở Tuol, Campuchia, 13/12/2012.


Nông dân địa phương chặt mía trên cánh đồng mía hợp tác xã Chea Khlang ở tỉnh Prey Veng, Campuchia, 01/09/2012.


Một công nhân đẩy chiếc xe chở đầy muối tại cánh đồng muối Ston, ở Ston, Croatia, 31/07/2012. Ston là cánh đồng muối lâu đời nhất và được bảo tồn nhất trong lịch sử vùng Địa Trung Hải, với kỹ thuật sản xuất có từ thời Cộng hoà Dubrovnik (thành lập từ thế kỷ thứ 7).


Ông Guillermo Castillo, 60 tuổi, vặn một cái van để điều tiết lượng nước mía đi qua tại một nhà máy đường ở Jaronu, Cuba, 08/09/2012.


Công nhân thu hoạch muối trong một cái hồ tại mỏ muối ở Salinas, CH Dominican, 28/07/2012. Các mỏ muối ở Salinas đã trở thành một nguồn cung cấp muối từ thời thập tự chinh. Các công nhân kiếm được khoảng 150 USD cho một tháng làm việc.


Một công nhân làm việc trên cánh đồng muối ở làng Palibelo, Indonesia, 22/11/2012.


Những người đàn ông làm việc tại một đồn điền mía ở Siribala, Mali, 24/01/2013.


Một người đàn ông cưỡi lừa đi ngang qua một cánh đồng mía ở Nueva Jerusalen, Mexico, 26/09/2012.


Một người phụ nữ thu hoạch mía trên cánh đồng mía Montelimar ở ngoại ô Managua, Nicaragua, 31/12/2012. Nicaragua dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn đường mỗi năm.


Một người đàn ông làm đường đen tại nhà ở ngoại ô Peshawar, 06/11/2012.


Những tảng đường đen chưa tinh luyện thu được sau khi đun sôi và làm bay hơi nước mía, nằm trong một giỏ chứa ở nhà máy đường tại Tepetitan, El Salvador, 26/12/2012.


Những hồ muối ở mỏ muối Maras, Cuzco, Peru, 29/08/2012.


Một công nhân vác trên vai bao muối đi qua những hồ muối ở mỏ Maras, Cuzco, Peru, 29/08/2012. Mỏ muối Maras là một nguồn cung cấp muối từ thời trước nền văn minh Inca cổ đại và hiện tại gồm có 3.000 hồ muối nhỏ nằm trên một sườn đồi ở thung lũng Urubamba, thuộc vùng Andean, Cuzco.


Những con đường giao nhau tại khu sản xuất muối Rio Tinto ở Dampier, Australia, 20/08/2012.


Công nhân thu hoạch mía trên một cánh đồng ở làng Yomitan, quận Okinawa, Nhật Bản, 24/02/2012.


Một công nhân uống nước từ một chiếc ấm trong khi đang thu hoạch mía ở Sidoarjo, Indonesia, 19/09/2013.


Quản đốc mỏ muối Arnaud Tamborini lấy mẫu muối để đi phân tích trên băng chuyền trong mỏ muối ở Bex, Thuỵ Sĩ, 04/12/2012.


Một người đàn ông dùng bè gỗ để chuyển những tảng đá muối sau khi đục ra từ đáy hồ Katwe ở Uganda, 29/01/2013. Các tảng đá được đục khoảng 3 tuần một lần, thường là do 2 người đàn ông làm từ mờ sáng cho tới chập tối, họ được trả 2 USD cho mỗi 100kg đá muối được bán ra.


Một người đàn ông nở nụ cười khi đang đục đá muối từ đáy hồ Katwe ở Uganda, 29/01/2013.

Nguồn: Boston.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét